Ở Việt Nam, lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, nông nghiệp Việt Nam là ngành có lợi thế bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng, nhiều loại nông sản có sản lượng hàng đầu thế giới, có nhiều loại nông sản có tiềm năng nhưng chưa được khai thác hợp lý, do đó diện tích nông nghiệp hữu cơ còn khiêm tốn so với tiềm năng.
Photo by Markus Winkler on Unsplash
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, song cách tiếp cận như thế nào ở Việt Nam là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Thống kê của FIBL (Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ) và Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cho thấy, năm 2021 có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu u (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Đối với Việt Nam, lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, song do cơ chế chính sách và thị trường tiêu thụ, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế. Hơn nữa trong thời gian dài, Việt Nam chưa có tổ chức nông nghiệp hữu cơ, mãi đến năm 2012, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam mới ra đời. Do đó, diện tích nông nghiệp hữu cơ ở nước ta còn khiêm tốn, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như: Bến Tre, Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam và Ninh Thuận,…
Hiện nay, sản phẩm hữu cơ tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu đến thị trường các nước như: Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Singapore và Nga,…Việt Nam đứng thứ 5 các quốc gia có diện tích nông nghiệp hữu cơ ở Châu Á.
Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở lợi thế so sánh, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được kết quả khả quan. Công nghệ cao được ứng dụng phổ biến là sản xuất trong nhà kính và nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động, công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn ứng dụng cả hệ thống máy tính gắn trong vườn trồng hoa để tự động kiểm soát các thông số kỹ thuật về độ ẩm, không khí, ánh sáng, tốc độ tăng trưởng của cây trồng.
Photo by Soo Ann Woon on Unsplash
Tại Đà Lạt có 42 cơ sở chế biến chè các loại, 48 cơ sở chế biến cà phê và 60 cơ sở sơ chế và chế biến rau, hoa, từ đó tiêu thụ khoảng 70% tổng sản lượng chè búp tươi, 25% tổng sản lượng cà phê nhân và trên dưới 35% sản lượng rau, hoa sản xuất hàng năm của địa phương; 80 cơ sở kinh doanh cây giống, 52 cơ sở sản xuất cây giống bằng công nghệ cấy mô thực vật, 11 quầy kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, 112 quầy hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 2 doanh nghiệp sản xuất phân bón, 12 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 5 trang trại, 7 mô hình liên minh sản xuất và hoạt động dưới hình thức liên kết một doanh nghiệp nông nghiệp với một tổ chức của nông dân (tổ hợp tác), 49 doanh nghiệp (8 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài) đến Đà Lạt đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với một số đơn vị đã xây dựng được thương hiệu nông sản như:
- Hợp tác xã Anh Đào, hợp tác xã Xuân Hương, liên hiệp hợp tác xã rau, hoa Hưng Phát Đà Lạt…
- 19 giấy chứng nhận nhãn hiệu Rau Đà Lạt và 25 giấy chứng nhận nhãn hiệu Hoa Đà Lạt được cấp từ đầu năm 2021 đến nay
- 70 cơ sở chế biến lâm sản với các sản phẩm chính là gỗ xẻ, gỗ hộp và hàng mộc gia dụng
Trong những năm gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tổng diện tích sản xuất các sản phẩm nông nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C… của tỉnh Lâm Đồng đến nay đạt 59.573ha; cũng đã xây dựng được 68 chuỗi an toàn thực phẩm với tổng diện tích là 3.813ha và tổng sản lượng là 196.084 tấn/năm.
Bên cạnh đó, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đang được người sản xuất và người tiêu cùng hướng tới. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là công tác an toàn nông sản có kiểm soát, không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng. Mọi công đoạn từ khâu làm đất, đến thu hoạch đều được ghi chép để truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề khi tiêu dùng…
Với những thành tích đạt được, kết quả lợi nhuận ròng khá cao từ diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tùy loài cây trồng và thời điểm chiếm từ 50 - 60% doanh thu, trong đó, rau đạt doanh thu 450 - 500 triệu đồng/ha/năm, hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, chè đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cá biệt một số doanh nghiệp trồng hoa đạt 3 - 5 tỷ đồng/ha/năm.
Những thành công trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong hai yếu tố cơ bản là điều kiện tự nhiên thuận lợi và truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của người dân Lâm Đồng, cùng đó là chủ trương, chính sách phát triển đúng đắn và kịp thời của lãnh đạo tỉnh, như:
- Quyết định số 31/QĐ-UBND về “Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Nghị Quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”
- Nghị quyết số 05-NQ/TW về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015”
- Quyết định số 2242/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch tổ chức, phát động phong trào thi đua “Cùng Nhà nước, Lâm Đồng chung tay xây dựng nông thôn mới”
- Công văn số 1770/UBND-NN về việc chỉ đạo thực hiện “Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2013”
Đồng thời, các nhà khoa học đã có những đóng góp rất quan trọng giúp cho nền nông nghiệp Lâm Đồng đạt được những thành tựu trong nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay. Tuy vậy, những thành tựu trong nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng rất ấn tượng, nhưng chỉ tập trung vào trồng trọt, cụ thể là hoa, rau và chè, cà phê; để phát triển nông nghiệp bền vững cần phát triển cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng.
Do vậy, để hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương một cách toàn diện thì việc tham khảo thêm những thành tựu trong chăn nuôi và nuôi trồng ở các địa phương khác là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá đa dạng về chủng loại cây trồng, vật nuôi có quy mô lớn, diện tích ứng dụng công nghệ cao, nhưng cho đến nay chứng nhận hữu cơ cũng mới chỉ được thực hiện trên cây chè, rau và chăn nuôi bò sữa.
Điều này cho thấy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là nhu cầu cực cao trong chuỗi nông sản toàn cầu, song quy trình thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt, nên khả năng mở rộng quy mô chậm.
Nguồn: http://tapchimattran.vn/kinh-te/nong-nghiep-huu-co-thuc-trang-va-mot-so-huong-phat-trien-tai-viet-nam-43780.html