Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã được nhân rộng với nhiều sản phẩm, ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Song với người nông dân, bán hàng online không hề dễ dàng dù họ sản xuất giỏi nhưng công nghệ chưa có...Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến phổ biến và hướng dẫn triển khai Quyết định 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 về đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn.
HÀNG TRĂM TẤN NÔNG SẢN ĐÃ ĐƯỢC TIÊU THỤ
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay.
Do đó, ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại đầu tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa. Trong đó có mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau củ quả tươi phục vụ bà con nông dân, người tiêu dùng tại các tỉnh thành và khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội như TP.HCM, các tỉnh thành phía Nam và TP. Hà Nội…
Với việc xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử của Viettel Post - Voso và Sendo, hàng nghìn lượt doanh nghiệp các tỉnh thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP.HCM, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Lạng Sơn... đã được tiếp cận sàn thương mại điện tử.
Hiện tại có hàng trăm sản phẩm nông sản được lựa chọn kỹ lưỡng đưa lên “Gian hàng Việt trực tuyến” như hành tím Sóc Trăng, khoai lang tím Vĩnh Long, bưởi da xanh Bến Tre, sầu riêng Ri6 Trà Vinh, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, bơ Đắk Nông, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên… và sắp tới đây là các sản phẩm khác như nhãn xuồng Bến Tre, Na Chi Lăng Lạng Sơn, Bưởi Phúc Trạch…
Theo ước tính của Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, hàng trăm tấn nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử.
Riêng chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, theo thống kê tổng hợp, khoảng trên 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ với gần 1 triệu đơn hàng trên 06 sàn thương mại điện tử tham gia.
Chương trình “Ứng dụng thương mại điện tử giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tỉnh Đồng Tháp” đã hỗ trợ hơn 500 sản phẩm của hơn 100 doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp đưa lên phân phối trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và PostMart.vn.
HỖ TRỢ NÔNG DÂN KỸ NĂNG BÁN HÀNG
Tuy nhiên, theo bà Huyền, thực tế triển khai ở các địa phương thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do thói quen sản xuất kinh doanh truyền thống lâu đời của các hộ nông dân.
Là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện Kế hoạch 1034, Lạng Sơn đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Nhiều hộ gia đình đã tiên phong trong việc mở rộng kinh doanh trên nền tảng số. Tính đến ngày 10/8 Lạng Sơn đã tạo được 4.445 gian hàng, số ví điện tử - tài khoản thanh toán điện tử là 2.971, số đơn hàng 2.759 đơn, 3.500 loại sản phẩm, tổng doanh thu 518.966.000 đồng.
Để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hiệu quả hơn nữa, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin & Thông tin tỉnh Lạng Sơn cho rằng, các sàn thương mại điện tử cần nâng cấp công nghệ để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại tỉnh, phát triển các cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho từng hộ gia đình…
Đại diện Sở Thông tin & Thông tin tỉnh Hưng Yên cho biết, hơn 200 sản phẩm nông sản Hưng Yên đã lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 55 sản phẩm OCOP của tỉnh. Mặc dù vậy, Hưng Yên đang gặp một số khó khăn như thói quen của bà con nông dân chủ yếu là buôn bán qua thương lái nên kỹ năng bán hàng qua các sàn thương mại điện tử còn hạn chế.
Do đó, đại diện Sở Thông tin & Thông tin Hưng Yên đề xuất, các sàn thương mại điện tử cần bố trí lực lượng hỗ trợ tại chỗ để hướng dẫn bà con nông dân các kỹ năng như đăng ký tài khoản, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Sở Công Thương, Sở Thông tin & Thông tin, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trong đào tạo kỹ năng, hướng dẫn bà con cách thức bán hàng và quảng bá sản phẩm đến người dân trong nước và nước ngoài thông qua môi trường số.
Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị các sàn tích cực phối hợp với các Sở ngành liên quan lên danh sách các hộ, hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu thụ, khảo sát đặc tính sản phẩm của địa phương, từ đó thống nhất các phương án đóng gói, lưu thông hàng hóa.
Đại diện Sở Thông tin & Thông tinT tỉnh Đắk Lắk bày tỏ sự quan tâm tới môi trường thanh toán cho bà con nông dân nhằm đảm bảo an toàn cho bà con. Vì đối với đặc thù của tỉnh, bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất thấp, do đó, việc thực hiện thanh toán trực tuyến sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, các địa phương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngành chức năng có biện pháp giải quyết tình trạng đứt gãy khâu vận chuyển đến người mua đối với những thị trường chủ lực đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo VNeconomy