Growtech | Exhibition 2024

Những thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam

2021-03-30 - 3 years ago

Năm 2020 và tháng 1.2021, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc... là những thị trường lớn nhập khẩu rau quả của Việt Nam, bất chấp dịch bệnh COVID-19.

4 thị trường nhiều hứa hẹn trong năm 2021

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT), giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 1.2021 ước đạt 260 triệu USD. Thị trường lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc… Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc đang có nhiều hứa hẹn trong năm 2021 dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

“Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2020 với 56,3% thị phần. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ đạt 168,8 triệu USD (chiếm 5,2%, tăng 12,5%); Thái Lan đạt 157,2 triệu USD (chiếm 4,8%, tăng 109,7%); Hàn Quốc đạt 143 triệu USD (chiếm 4,4%, tăng 8,5%); Nhật Bản đạt 127,7 triệu USD (chiếm 3,9%, tăng 4,3%)” - TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết.

 

Thông tin thêm về các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Toản cho hay, năm 2020, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là thị trường Campuchia (tăng 142%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Lào (giảm 45,5%).

“Diễn biến dịch COVID-19 khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đặc biệt là khó khăn về việc thay đổi thị hiếu và thủ tục nhập khẩu bị siết chặt do dịch bệnh. Doanh nghiệp cần tăng cường giám sát chất lượng hàng hoá, tránh vi phạm quy định của các nước về tiêu chuẩn, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm để quá trình thông quan không bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng tại thị trường nội địa

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về tái cơ cấu nông nghiệp, ngành trồng trọt đã và đang tập trung xây dựng các vùng trồng an toàn, áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, không chỉ để xuất khẩu mà còn để đáp ứng sức mua của 97 triệu người tiêu dùng trong nước.

Các loại trái cây đặc sản như: Vú sữa, nhãn lồng, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, thanh long, xoài cát, bơ booth… hiện nay có sản lượng rất lớn, nguồn cung dồi dào nên giá bán tại các chợ, siêu thị rất “bình dân. Thậm chí, có thời điểm giá thanh long ruột đỏ, bơ booth... giá bán ra chỉ 6.000 - 8.000 đồng/kg.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tại thị trường trong nước, trong tháng 1.2021, trái Thanh long tỉnh Bình Thuận trong thời kỳ tạo và dưỡng trái để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, tình hình tiêu thụ thanh long Bình Thuận gặp khó khăn, mức giá bán ra từ 5.000-8.000 đồng/kg bởi nguồn cung khá lớn.

Do sản xuất thanh long trái vụ, chi phí chong đèn và phân bón lớn, khiến người nông dân đang gặp khó khăn với mức giá này.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số loại cây ăn quả lại cho giá tốt, ví dụ như quả dứa. Tại tỉnh Long An, giá dứa tăng cao do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu thị trường còn lớn. Hiện tại, dứa loại 1 có giá khoảng 10.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: congthuong.vn/



+84 28 3636 2906