Growtech | Exhibition 2025

Nông dân có thể chủ động đầu ra cho nông sản thông qua kênh online

2021-02-22 - 3 years ago

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất khẩu nông sản Việt bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn Trung Quốc, EU, Mỹ đóng băng cộng thêm tác động kép của hạn hán, kèm theo xâm nhập mặn, bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt.

 

        Chuyên gia Trần Quốc Kỳ (áo vest đen) tham gia tư vấn chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Vĩnh Long

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, nêu rõ 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; trong đó, có ngành nông nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu khoảng 41,2 tỷ USD.

Để đảm bảo cho ngành nông nghiệp đạt các chỉ tiêu kinh doanh, các ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm… cần được chú trọng.

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nghĩa là phải tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản…

Tham gia tư vấn chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia Trần Quốc Kỳ, Tổng giám đốc công ty Gigan cho rằng, điều quan trọng là phải chủ động đầu ra cho nông sản.

 

 Hình mình họa

Trước đây, nông dân thường phụ thuộc vào thương lái. Nông sản thường được mang ra chợ bán nếu thương lái không thu mua, hoặc cho biếu tặng hàng xóm. Hiện tại các hộ nông dân có thể tự mình tạo ra thêm một phương án mới nhằm chủ động hơn trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản trên môi trường online, bằng cách chụp hình hoặc quay video sản phẩm rồi đăng tải thông tin lên mạng xã hội hoặc các nền tảng thương mại điện tử để bán. Các hiệp hội hay sàn giao dịch nông sản cũng giúp tiếp cận rất nhiều thương lái, khách hàng có nhu cầu trên kênh online.

Đây là kênh bán hàng giúp nông dân, hộ nông dân có thêm cơ hội lựa chọn thương lái thu mua tốt hơn, thương mại hóa triệt để nguồn nông sản sản xuất ra và bán giá tốt hơn vì cắt giảm đi các hoạt động trung gian. Bên cạnh đó, môi trường online có rất nhiều thông tin bổ ích giúp hộ nông dân nắm bắt nhanh, kịp thời được thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, hay kỹ thuật công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm thành phẩm và tối ưu chi phí gieo trồng sản xuất.

Nông dân thời đại 4.0 cần nhiều khác biệt. Cụ thể hơn, theo chuyên gia, để bắt đầu kinh doanh online một cách đơn giản nhất cần nhiều yếu tố. Chất lượng sản phẩm là chưa đủ. Ngoài ngon, sạch, sản phẩm còn phải đẹp với bao bì được đóng gói và gắn mác. Việc này sẽ giúp gia tăng lòng tin của người tiêu dùng cũng như các thương lái.

Kế đến là trên môi trường online, người mua chỉ có thể xem nội dung nên hộ nông dân nông dân khi bán hàng online cần biết chụp hình, quay video bằng thiết bị tốt nhất mà hộ nông dân có thể, sao cho rõ nét nhất, chân thực nhất về sản phẩm rồi đăng tải lên internet.

Cuối cùng, hộ nông dân phải thường xuyên đăng tải, cập nhật thông tin hình ảnh sản phẩm mới, hay phải thường xuyên trả lời những khách hàng liên hệ đặt mua để giải đáp thông tin hay giao hàng, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm bán hàng online mới. 

Ở khía cạnh khác, chuyển đổi số trong nông nghiệp cần sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các hộ nông dân.

Cụ thể, các địa phương cần tổ chức bộ phận chuyên trách Chuyển đổi số với các hoạt động thiết thực thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp và hộ nông dân nông dân trong hoạt động tiếp cận công nghệ, tạo điều kiện tối đa về mặt pháp lý, hướng dẫn quy định pháp luật liên quan để xây dựng môi trường kinh doanh online lành mạnh, để doanh nghiệp, hộ nông dân thuận lợi trong việc xúc tiến chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường kỹ thuật số. Cùng với đó, tìm kiếm và khen thưởng mô hình chuyển đối số điển hình "người thật việc thật" để hộ nông dân học tập nhân rộng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức được các hoạt động hội thảo chuyên đề xoay quanh chuyển đổi số, công nghệ marketing online hay tạo điều kiện tốt nhất để huy động, thu hút doanh nghiệp, tổ chức uy tín hay các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, marketing, kinh doanh online...về địa phương triển khai các hoạt động đào tạo kỹ thuật, chuyên môn nhằm hỗ trợ kiến thức, công nghệ cho hộ nông dân nông dân tiếp cận nhanh nhất hoạt động chuyển đổi số.

Từ phía các hộ nông dân, chính họ cần chủ động trong việc sử dụng công nghệ thông tin, chủ động tìm kiếm, học tập phương pháp có ích cho hoạt động chuyển đổi số như: tải những app hướng dẫn sử dụng phân bón cho cây trồng, tham gia các cộng động về nông sản để cập nhật kiến thức và giao lưu, tìm tòi cách thức phương pháp bán hàng online hiệu quả để về ứng dụng hay thử nghiệm cho chính sản phẩm hay mô hình sản xuất mà các hộ khác đang có. Cuối cùng là phải thường xuyên làm, thường xuyên cập nhật và học tập cải tiến, thường xuyên thử những phương pháp mới.

Nguồn:https://vietnamfinance.vn/



+84 28 3636 2906