Growtech | Exhibition 2024

Long An đưa máy bay không người lái vào sản xuất lúa

2020-09-23 - 3 years ago

Tỉnh Long An đang đẩy mạnh triển khai các cánh đồng lúa chất lượng cao. Đi cùng kế hoạch này là thúc đẩy cơ giới hóa đồng ruộng, trong đó có việc đưa máy bay không người lái vào sản xuất.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh, đối với cây lúa, khâu làm đất đã cơ giới hóa được 100%, thu hoạch trên 98% và sấy khô hạt đạt trên 70% sản lượng.

Cho máy bay phun thuốc

Theo ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh và Xanh trình diễn máy bay phun thuốc không người lái trên ruộng lúa. 

Đây là sản phẩm công nghệ hiện đại với độ tin cậy và hiệu suất phun thuốc 10ha/8 giờ, cao gấp 30 lần so với phun thủ công và tiết kiệm nước đến 90%.

Máy bay không người lái có thể phun trên diện tích rộng và những địa hình phức tạp trong phạm vi điều khiển 7.000m. Máy bay mang 10 lít nước, công suất phun đạt 2-3ha/giờ. 

 

Đoàn công tác Bộ NNPTNT thăm cánh đồng lúa chất lượng cao của huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Ảnh: T.Đ

 

Đặc biệt, sử dụng máy bay không người lái sẽ an toàn hơn cho người phun thuốc vì không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại.

Ông Thiện cho rằng, việc đưa máy bay không người lái vào sản xuất đang mang lại nhiều ý nghĩa, góp phần tạo động lực thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, cây trồng và thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt.

Không chờ phối hợp với ngành nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX An Long (huyện Đức Hòa) Vương Trọng Nghĩa thông tin, vừa qua HTX đã thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng bằng máy bay không người lái. Người dùng chỉ việc pha thuốc đưa vào bình chứa, sau đó dùng bộ điều khiển từ xa để vận hành máy bay phun thuốc trên đồng lúa. Nhờ giải pháp này, HTX đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công lao động, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giảm chi phí... 

"Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư thiết bị này để phục vụ sản xuất" - ông Nghĩa nói.

Tương tự, HTX Nông nghiệp công nghệ cao An Long (xã An Ninh Tây, Đức Hòa) cũng thử nghiệm máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng lúa. Ông Đinh Văn Chăn - Giám đốc HTX An Long cho biết, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ hiện đại sẽ góp phần giảm sức lao động, giảm tác động của thuốc trừ sâu bệnh đến môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước, đất.

Ông Chăn nhẩm tính, chi phí cho 1 lần phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái được thực hiện dao động 250-300.000 đồng/ha. So với thuê nhân công chi phí là hơn 200.000 đồng/ha. 

Đồng thời, theo đánh giá việc phun thuốc bằng máy bay sẽ giảm 29 lần lượng nước phun và giảm 20% lượng thuốc phun so với việc thực hiện thủ công. Tổng thời gian pha và phun xịt thuốc khi sử dụng máy bay không người lái chỉ tốn khoảng 30 phút/ha.

Tuy nhiên, hạn chế của việc sử dụng máy bay không người lái chính là chi phí đầu tư máy móc thiết bị khá cao, người nông dân phải có kiến thức để vận hành máy. Giải quyết bài toán này đòi hỏi người dân phải sản xuất liên kết, gieo trồng đồng loạt, diện tích tập trung và sử dụng 1 loại giống… Khi thực hiện được việc liên kết hộ, tạo được những cánh đồng mẫu lớn sẽ phun thuốc bằng máy bay không người lái hiệu quả hơn.

Tiếp tục nâng cao cơ giới hóa

Thực tế những năm qua, nông dân tỉnh Long An đã ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất; góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả, giảm thất thoát, chi phí, nâng cao chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận.

 

Đoàn công tác Bộ NNPTNT thăm cánh đồng lúa chất lượng cao của huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Ảnh: T.Đ

Tuy nhiên, việc cơ giới hóa với tỷ lệ cao trên đồng lúa ở Long An đang tập trung chủ yếu trong khâu làm đất và thu hoạch. Tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu, như: Gieo cấy, chăm sóc, phun thuốc, bón phân… vẫn còn rất hạn chế. Nông dân có tâm lý nếu gieo sạ đồng loạt thì đến khi lúa chín tập trung sẽ không có công thu hoạch. Chính vì vậy, trong vụ đông xuân 2019-2020, có đến 85.670ha diện tích lúa ở Long An gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, từ năm 2013, tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu với diện tích canh tác hơn 48.000ha ở 25 xã thuộc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu của chương trình là phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.

Theo ông Thiện, để hướng tới xuất khẩu được các sản phẩm chủ lực, việc đẩy mạnh cơ giới hóa rất quan trọng, đặc biệt là các khâu sơ chế, bảo quản, chế biến. 

Theo đó, cần có chủ trương, chính sách quy hoạch phát triển tổng thể nông nghiệp nói chung, quy hoạch lại hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng nói riêng để tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất. Tỉnh tiếp tục có những chủ trương, chính sách đầu tư trang bị máy móc phục vụ sản xuất lúa, đặc biệt là máy thu hoạch và máy sấy lúa nhằm tăng chất lượng hạt gạo. 

(Theo Dân Việt)



+84 28 3823 9052+84 24 3516 2063