Growtech | Exhibition 2024

Nông nghiệp là trụ đỡ, là hy vọng để kinh tế bật dậy sau Covid-19

2020-04-25 - 4 years ago

"Đây sẽ là thời điểm để chúng ta nhìn nhận lại vai trò của từng lĩnh vực, cơ cấu lại nền kinh tế", TS Lê Xuân Nghĩa mở đầu cuộc trò chuyện.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng có những phân tích về vai trò của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19.

Hãy đón lõng thời điểm hết dịch bằng nông nghiệp

Thưa ông, qua đợt dịch Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều nhà khoa học đánh giá, trước sự lao đao đao của những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp, dịch vụ, du lịch thì vai trò trụ đỡ của nông nghiệp càng thể hiện rõ. Bằng chứng là Việt Nam vẫn xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn gần như tê liệt. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay?

Như chúng ta thấy, dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu rất nhanh, trở thành một yếu tố kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thậm chí có nhiều quốc gia dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm khoảng 1%. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, Việt Nam là một trong 3 nước chịu tác động mạnh nhất.

Lý do thứ nhất, dịch cúm bắt đầu từ Trung Quốc, nơi chiếm tới 15% xuất khẩu và 30% nhập khẩu của Việt Nam. Phần lớn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị... Vì vậy nó đánh thẳng vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp nhẹ, công nghiệp hạ nguồn.

Đến bây giờ, phần lớn các nhà máy sản xuất công nghiệp hạ nguồn như dệt may, giày da đều cho rằng họ không thể chịu đựng được nữa. Những con số về tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể, những con số về thiệt hại đã được tổng hợp rõ rồi.

Ảnh hưởng thứ hai là khu vực dịch vụ. Đây là lĩnh vực ngay từ đầu Tổng cục Du lịch xác định có thể thiệt hại từ 5,7 đến 7,7 tỷ USD trong vòng 3 tháng đầu năm.

Khu vực thứ ba chịu tác động nghiêm trọng bởi cả yếu tố dịch bệnh và thiên tai là ngành nông nghiệp. Từ hạn hán, xâm nhập mặn cộng với thị trường xuất khẩu chịu tác động của dịch Covid-19 khiến cho ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất mạnh.

TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Bảo Khang.

Năm ngoái chúng ta lập nên kỳ tích xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt gần 42 tỷ USD, năm nay, các chuyên gia dự báo giảm xuống còn khoảng 37 - 38 tỷ USD, chủ yếu do thị trường Trung Quốc gián đoạn...

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã phân tích, chính qua đợt dịch này mới thể hiện rõ, đâu là thế mạnh của Việt Nam.

Trong phiên họp gần đây nhất của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia do Thủ tướng chủ trì, chúng tôi có ý kiến: Phải nhìn nhận “kiểm soát dịch bệnh là biện pháp tăng trưởng kinh tế số một”. Nó không hề mâu thuẫn với tăng trưởng kinh tế mà là điều kiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất là để tránh được những thiệt hại do dịch mang lại. Khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh sẽ giữ được uy tín của quốc gia. Du lịch nước ngoài vẫn sẽ đến. Hàng hóa xuất khẩu không bị ghê sợ vì họ biết chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh.

Chính vì thế chúng tôi coi kiểm soát dịch bệnh là biện pháp số một. Đồng thời cũng phải có những giải pháp để khi dịch bệnh qua đi thị trường có thể bùng nổ trở lại về cung cũng như về cầu.

Chúng ta hi vọng rằng những người Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác hiện nay đang vô cùng bức xúc vì không được mua sắm, tiêu xài, mặc dầu họ có điều kiện, đến khi dịch bệnh qua đi họ quay lại thị trường để ăn, chơi, du lịch… Chúng tôi cũng dự đoán, sẽ có một sự bùng nổ về nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh. Từ du lịch, ẩm thực, mua sắm kể cả dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe...

Vấn đề làm thế nào để chúng ta đón lõng được điều đó? Chúng tôi phân tích và khẳng định, dễ đón lõng nhất chính là nông nghiệp. Bởi vì sản xuất nông nghiệp không phải quá tập trung, cho nên ngay trong dịch bệnh nông nghiệp vẫn có thể sản xuất được.

Trong khi công nghiệp bị đình đốn ngay ở khâu sản xuất, du lịch đình đốn đi lại thì nông nghiệp vẫn mùa vụ như thế, hoa trái đến mua vẫn nở. Bằng chứng là chúng ta vẫn đang xuất khẩu tốt trong bối cảnh dịch dã đấy thôi.

Nói cách khách, nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ trong bối cảnh này mà còn là hy vọng lớn để kinh tế Việt Nam bật dậy sau khi hết dịch.

Vì muốn lên vũ trụ hay xuống đáy đại dương thì quan trọng nhất vẫn là cái ăn

Lâu nay những phân tích chỉ ra rằng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều rủi ro, hạn chế, có lẽ chính vì vậy mà ngay cả năm ngành nông nghiệp lập kỷ lục như 2019 khi xuất khẩu 41,3 tỷ USD thì đầu tư công cho nông nghiệp chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, làn sóng đầu tư vào nông nghiệp đã có những chuyển biến, đặc biệt là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn. Phải chăng, cách nhìn nhận về vai trò, tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp đã có sự thay đổi, thưa ông ?

Theo tôi, thế mạnh lớn nhất, dài hạn nhất của Việt Nam chính là nông nghiệp. Ông Philip Kotler, một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới đã nói “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”.

Chúng tôi từng nhiều lần tiếp xúc với ông ấy ở Mỹ, Kotler đã nói rất sâu về thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, rằng: Ẩm thực Việt Nam thuộc loại ẩm thực lành mạnh nhất hiện nay của thế giới và phong phú hơn bất kỳ quốc gia nào. Nó rất ít dầu mỡ, rất nhiều rau, các món chế biến dân dã, ít chi phí và rất ngon miệng. Điều đó tạo ra một giá trị đặc thù.

Kotler cũng phân tích, mỗi vùng miền Việt Nam có một thực phẩm đặc trưng, mỗi một dân tộc có một thực phẩm đặc trưng. Mặc dù nguyên liệu chế biến thì giống nhau nhưng cách thức chế biến lại hoàn toàn khác nhau và tạo ra những hương vị hoàn toàn khác nhau.

Không có một quốc gia nào trên thế giới có nhiều món ăn được chế biến phong phú, dân dã như thế cả. Nếu chúng ta biết quảng bá thì điều đó sẽ trở thành thương hiệu thực sự.

Điều quan trọng là thương hiệu đó được tạo ra từ nông nghiệp, từ văn hóa nông thôn. Chúng tôi đã có những nghiên cứu rất sâu và đủ căn cứ khẳng định thế mạnh của Việt Nam tuyệt đối không phải là công nghiệp. Thế mạnh của Việt Nam chính ở nông nghiệp gắn với du lịch và văn hóa.

Ba thứ đó, cái này gắn với cái kia, cái này hỗ trợ cho cái kia. Văn hóa vừa là di sản còn lại của các dân tộc Việt Nam, gắn với nền nông nghiệp nhiệt đới rất đặc thù của Việt Nam, gắn với du lịch trải nghiệm Việt Nam chắc chắn sẽ là thế mạnh.

Văn hóa nông thôn, nông dân mang màu sắc nông nghiệp ở chỗ, chúng ta có thể nhìn nhận rất rõ. Các nước phương Tây gần như văn hóa dân gian không còn nữa.

Ví dụ ở Đức, nơi tôi có thời gian học 10 năm, chỉ còn mỗi một bài hát dân gian. Hay như Trung Quốc, văn hóa cung đình lấn át hết văn hóa dân gian.

Hãy nhìn Nhật Bản, họ đang cố tìm mọi cách để phục hồi lại văn hóa dân gian, trở thành chiến lược quốc gia của họ.

Kể cả cách gọi tên của họ cũng đang trở lại kiểu cũ. Một chiến dịch phục hồi lại toàn bộ cho thấy tầm quan trọng của văn hóa dân gian.

Điều may mắn, Việt Nam là một trong những quốc gia mà văn hóa dân gian lấn át văn hóa cung đình. Thậm chí ở miền Bắc văn hóa cung đình gần như biến mất. Nó cho thấy rằng sức sống văn hóa dân gian của người Việt rất mạnh.

Vì sao mạnh như vậy? Chính là vì nó gắn với nông nghiệp. Mà nông nghiệp thì trường tồn. Loài người muốn lên vũ trụ, muốn xuống đáy đại dương thì quan trọng nhất vẫn là có cái ăn.

Nông nghiệp thực sự là thế mạnh của Việt Nam, tôi tin tưởng vững chắc như vậy. Vấn đề quan trọng là cả hệ thống chính trị cần phải có một chiến lược dài hạn, chi tiết, cẩn trọng về nông nghiệp. Trên nền tảng đó duy trì văn hóa ẩm thực, văn hóa cộng đồng, văn hóa dân gian Việt Nam để chúng ta phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ. Chúng ta cần phải duy trì văn hóa mang tính đặc tính của dân tộc dài hạn và làm cho nền tảng xã hội văn minh hơn trên nền văn hóa ấy. Khách du lịch vào Việt Nam là máu, nhưng hồng cầu trong máu ấy phải là văn hóa của Việt Nam. Nếu làm được điều đó thì Việt Nam có thể trở thành thương hiệu của thế giới.

TS Lê Xuân Nghĩa

Nguồn: https://nongnghiep.vn/



+84 28 3636 2906